Mùa lễ hội đặc sắc ở Nha Trang
Nét đăc sắc văn hóa dân gian Nha Trang – Khánh Hòa là có nhiều lễ hội mang tính tôn giáo: Lễ hội Đền Hùng, lễ hội Tháp Bà, lễ hội Am Chúa, lễ hội Cá Voi… Nào hãy cùng điểm qua một số lễ hội đặc sắc ở Nha Trang.
Nha Trang – Khánh Hòa có nền văn hóa lịch sử lâu đời. Cách đây hàng ngàn năm con người đã sinh sống ở đây. Vì thế nơi đây lưu giữ khá nhiều văn hóa lễ hội xưa. Nét đăc sắc văn hóa dân gian Nha Trang – Khánh Hòa là có nhiều lễ hội mang tính tôn giáo: Lễ hội Đền Hùng, lễ hội Tháp Bà, lễ hội Am Chúa, lễ hội Cá Voi… Nào hãy cùng du lịch Nha Trang và điểm qua một số lễ hội đặc sắc nơi đây.
Lễ hội Đền Hùng
Địa điểm: Tại Đền Hùng Vương, đường Ngô Gia Tự, TP Nha Trang.
Thời gian: Vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm.
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”
Lễ hội Đền Hùng Nha Trang
Đền Hùng gắn liền với lịch sử huyền thoại của tổ tiên nước Việt: Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ sinh trăm trứng, nở thành trăm con, 50 con theo cha xuống biển, 50 con theo mẹ lên núi. Người con cả ở lại nối ngôi cha và truyền được 18 đời Vua Hùng.
Lễ hội Đền Hùng không những được tổ chức hàng năm ở Phú Thọ mà Lễ hội Đền Hùng cũng được tổ chức trang trọng ngày 10/3 tại Đền Hùng Vương hay còn gọi là Đền thờ Đức Quốc tổ Hùng Vương – toạ lạc tại đường Ngô Gia Tự, TP. Nha Trang. Lễ hội diễn ra với những nghi lễ dâng hương, dâng hoa uy nghiêm, thành kính với sự tham dự của Lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành, đoàn thể, đại diện các tôn giáo, đông đảo nhân dân và các cháu học sinh trong tỉnh.
Nghi thức trang trọng, độc đáo thể hiện truyền thống tốt đẹp cao quý của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, “chim có tổ, người có tông”.
Lễ hội Tháp Bà
Địa điểm: Tại khu di tích Tháp Ponagar, thành phố Nha Trang.
Thời gian: Từ ngày 20 đến 23 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Tháp Bà
Đây là lễ hội lớn nhất trong khu vực để tưởng niệm nữ thần Mẹ Xứ sở. Theo truyền thuyết, Bà Mẹ Xứ sở là người có công tạo lập xứ sở, duy trì nòi giống, tìm ra cây lúa, dạy dân trồng trọt..
Nghi lễ có 2 phần chính:
Lễ Thay y (ngày 20/3): tháo bỏ xiêm y, mũ miện cũ, tắm rửa tượng nữ thần bằng nước lá thơm và thay xiêm y, mũ miện mới.
Lễ Cầu cúng (ngày 23/3) được tiến hành rất tôn nghiêm ca ngợi công đức Bà Mẹ Xứ sở và cầu mong cho dân sống yên bình, ấm no và hạnh phúc.
Sau phần lễ là phần hội chủ yếu là múa bóng, múa dâng bông và hát bộ diễn các tích tuồng cổ trước ngôi đền chính.
Lễ hội Tháp Bà không chỉ thu hút đông đảo bà con người Việt, người Chăm ở Nha Trang, Khánh Hoà mà nhiều người ở khắp nơi trong nước cũng nô nức kéo về dự hội.
Lễ hội Am Chúa Khánh Hòa
Địa điểm: Tại Am Chúa, thuộc xã Diên Điền, huyện Diên Khánh.
Thời gian: Ngày 1-3 tháng 3 Âm lịch hàng năm.
Khách hành hương về dự lễ hội Am Chúa
Đây là dịp sinh hoạt văn hóa tâm linh, để người dân Khánh Hòa nói riêng, khách thập phương cả nước nói chung thể hiện tấm lòng “Uống nước nhớ nguồn”. Nhớ ơn Bà Mẹ Xứ Sở đã dạy cho dân Khánh Hòa biết cày cấy, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải…
Lễ gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Sau lễ cầu cúng tôn nghiêm theo nghi thức cổ truyền là điệu múa dâng bông, vãn Bà, các điệu múa gắng liền với truyền thuỵết và sự tích Thiên Y A Na.
Theo truyền thuyết, Am Chúa là nơi nữ thần giáng trần, sống thời thơ ấu với hai vợ chồng tiều phu già. Nơi đây có miếu thờ và tượng bà. Am Chúa thờ Thiên Y Ana Thánh Mẫu (Po Nagar), còn gọi là bà chúa Ngọc, một vị phúc thần rất được kính trọng ở Khánh Hòa. Am Chúa được xây dựng trên một ngọn núi Ðại An (núi Dưa), huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
Thánh Mẫu Thiên Y A Na – Bà Mẹ xứ sở đã khai sáng và truyền dạy cho dân chúng cách làm ăn, sinh sống. Tín ngưỡng thờ Bà Thiên Y A Na được bắt nguồn từ tục thờ Bà Ponagar của người Chăm. Hay nói đúng hơn, những người Việt đến định cư ở đất này đã Việt hoá tục thờ Bà Mẹ xứ sở của người Chăm bằng truyền thuyết về Bà Thiên Y A Na giáng trần tại núi Đại An và hiển thánh ở Tháp Bà – Nha Trang.
Đến nay, ở Khánh Hoà vẫn lưu truyền câu nói: “Am Chúa hiển nhân, Tháp Bà hiển thánh” như một lời khẳng định về sự nối liền giữa di tích Am Chúa với Tháp Bà Ponagar.
Lễ hội Cá Voi
Địa điểm: Tại Lăng Ông – TP Nha Trang.
Thời gian: Hàng năm tổ chức vào đúng ngày ông lỵ và hai kỳ xuân tế, thu tế.
Lễ hội Cá Voi
Từ xưa, ngư dân vùng ven biển đã cho rằng cá voi là một loài cá hiếm, không làm hại ai và thường giúp họ khi gặp giông bão trên biển. Lợi dụng điều này một số người đã thêu dệt thêm nhiều huyền thoại về cá voi, gắn cá voi với cuộc đời bôn tẩu của Nguyễn Ánh, tô vẽ chuyện cá voi đã cứu sống Nguyễn Ánh trong một vụ đắm thuyền, dùng thần quyền đề cao nhân vật này.
Sau khi xưng vương, Gia Long đã phong cá voi tước hiệu “Nam hải cự tộc ngọc lân Thượng đẳng Thần”. Các vua triều Nguyễn sau đó phong sắc cho cá voi với danh hiệu “Đại càng quốc gia Nam Hải”.
Càng tin vào sự giúp đỡ của cá voi, ngư dân tổ chức việc thờ cúng hết sức thành kính. Họ kiêng gọi cá voi mà gọi là Cá Ông hoặc Ông Nam Hải, xây lăng thờ cúng gọi là Lăng Ông. Trong lăng có hòm chứa xương cá voi (gọi là Ngọc Cốt). Hàng năm, người ta tổ chức ngày giỗ đúng vào ngày ông lỵ (cá voi chết) và hai kỳ xuân tế thu tế, cúng cầu ngư vào mùa đánh bắt của mỗi năm. Nghi lễ cúng như nghi lễ tế đình, điều khác biệt là màn hát bá trạo kết thúc lễ tế và mở đầu cho hội hát chầu (có khi kéo dài đến 5-7 ngày).
Lễ hội Yến Sào Nha Trang
Địa điểm: Đảo Hòn Nội
Thời gian: Vào ngày 10 tháng 5 AL hàng năm.
Lễ hội yến sào và nghi thức cúng tống na diễn ra tại đảo yến Hòn Nội
Khánh Hòa có rất nhiều ngành nghề truyền thống như: đúc đồng, làm nón, làm bún, bánh tráng, đánh bắt hải sản,… Song, lâu đời và có giá trị văn hóa, lịch sử, mang lại lợi ích kinh tế, xã hội cao, rất nổi tiếng là ngành nghề khai thác yến sào. Nghề khai thác yến sào Khánh Hòa ra đời gần 700 năm và không ngừng phát triển.
Lễ hội Yến sào Khánh Hòa là lễ hội tôn vinh truyền thống lịch sử ngành nghề, được đa dạng hóa bằng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống và đương đại nhằm quảng bá giới thiệu với du khách khám phá nét văn hóa độc đáo về vùng đất được nhiều quà tặng của thiên nhiên và con người xứ sở “Trầm hương, Yến sào” hiền hòa thân thiện.
Tên gọi đầy đủ của lễ hội này là ” Lễ hội ngành khai thác Yến Sào”. Lễ hội do đông đảo bà con làm nghề lấy tổ yến tổ chức tại đảo Hòn Nội, nơi đặt Miếu thờ Bà Chúa Đảo Yến, với các nghi lễ trọng thể, trang nghiêm. Lễ hội là dịp người làm nghề cầu cúng, xin được ban ơn, ban phước lành.