Tham gia những lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc ở Ninh Bình
Mọi người đều biết đến Ninh Bình như một nước Việt Nam thu nhỏ bởi nơi đây hội tụ đủ các dạng địa hình đồng bằng, miền núi, miền biển và từng là kinh đô của nước Việt. Đến với Ninh Bình, ngoài việc được chiêm ngưỡng phong cảnh tuyệt đẹp mà thiên nhiên ban tặng, du khách còn được tham gia những lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc.
Ninh Bình là một địa phương còn lưu giữ được nhiều lễ hội dân gian. Ngoài ý nghĩa tâm linh, lễ hội còn là nơi giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Hiện nay, toàn tỉnh có 74 lễ hội. Một số lễ hội đã trở thành truyền thống không chỉ của người dân địa phương mà còn là của cả tỉnh và thu hút sự quan tâm của du khách trong nước, quốc tế như:
Lễ hội đền Thái Vi (thôn Văn Lâm, Ninh Hải, Hoa Lư) mở từ 14 – 16/3 âm lịch hàng năm, tưởng nhớ vua Trần Thánh Tông, Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông. Đặc biệt là vua Trần Thái Tông, người đã về chiêu dân lập ấp, xây dựng căn cứ địa Văn Lâm, làm hậu cứ để chống giặc Nguyên Mông lần thứ 2 vào năm 1285;
Lễ hội đền Thánh Nguyễn (xã Gia Tiến và Gia Thắng, huyện Gia Viễn) được mở từ 12 -14/9 âm lịch để tưởng nhớ thiền sư Nguyễn Minh Không, Quốc sư thời Lý; Lễ hội Yên Cư (xã Khánh Cư, Yên Khánh) mở vào ngày 20/8 âm lịch tưởng nhớ đức thánh Trần Hưng Đạo, phu nhân và các quận chúa… Nhưng lễ hội lớn nhất và thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đó là Lề hội truyền thống Cố đô Hoa Lư, hay còn gọi là Lễ hội Trường Yên, đây là lễ hội cấp tỉnh của Ninh Bình. Mọi người về lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư không chỉ với mục đích dâng hương, tưởng nhớ vua Đinh Tiên Hoàng mà còn mong muốn được sống trong không khí những ngày hội với những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc địa phương.
Trước đây hội Trường Yên chỉ tổ chức với quy mô cấp xã để tưởng nhớ vị vua đầu tiên dựng nền độc lập của dân tộc. Nhờ vào tài, đức và mưu lược xuất chúng, từ một cậu bé mục đồng thích chơi trò tập trận cờ lau, ông đã tập hợp quần chúng, thu phục được nhân tâm, dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu là Thái Bình, hiệu Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Theo dân gian, lễ hội được tổ chức vào rằm tháng hai, vì đây là ngày sinh của ông, bởi thế mới có câu ca truyền miệng: “Dù ai buôn bán đâu đâu/ Tháng hai mở hội rủ nhau mà về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Tháng hai mở hội thì về Trường Yên”. Sau này lễ hội được tổ chức vào 10/3 âm lịch, lấy tên gọi là Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư, kỷ niệm ngày Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế. Xuyên suốt những ngày diễn ra lễ hội là hành trình tìm về cội nguồn dân tộc. Các nghi lễ là sự mô phỏng, tôn vinh những giá trị văn hoá trong thời kỳ Đinh – Tiền Lê như: lễ rước nước, tế lễ cổ truyền, tích “Đức Tiên Đế cờ lau tập trận” tái hiện trên sân khấu sự kiện “Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế”…
Buổi sáng ngày khai hội, vào giờ Thìn, lễ rước nước bắt đầu. Theo truyền thuyết, hàng năm, cứ vào ngày 10/3 âm lịch, nhà vua tổ chức lễ rước nước ở sông Hoàng Long để cầu cho “mưa thuận gió hoà, muôn dân an lạc”. Đi đầu là Hoàng Thái tử cùng cờ của nhà vua, thêu hình hai con rồng và 4 chữ vàng “Lưỡng Long chầu nguyệt”. Tiếp sau là đôi rồng, rồi đến Hoàng tử, Công chúa, các quan, võng lọng và cuối cùng là muôn dân, nối nhau cùng bơi thuyền ra giữa dòng sông Hoàng Long để lấy nước. Chỗ lấy nước được đánh dấu bằng một cây nêu. Tương truyền, khi còn nhỏ, vì mổ trâu khao quân, bị người chú đuổi phạt mà Đinh Bộ Lĩnh phải chạy chốn, đến giữa sông Hoàng Long thì có một con Rồng hiện lên đưa ông sang bờ, và cây nêu cắm ở đó tượng trưng cho con Rồng đang phun nước hay mắt của con rồng. Nhưng cũng có tích cho rằng đây là nơi Thái hậu Dương Vân Nga đã từng nghỉ chân sau khi đi thăm muôn dân, và cây nêu có ý nghĩa xua đuổi những tà khí. Vì vậy, nước nơi đó là trong sạch nhất, tinh khiết nhất và nhà vua lấy nước ở nơi đó về tưới cho đồng ruộng.
Trải qua rất nhiều biến cố lịch sử, Lễ hội Hoa Lư đã có sự “biến tấu” để phù hợp với hiện tại, nhưng phần lễ vẫn được giữ nguyên bản từ đời này qua đời khác, bao gồm lễ rước nước, tích cờ lau tập trận, diễn tích “Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế”, tế lễ cổ truyền… Hiếm có lễ hội nào có những nghi lễ trang trọng và mang đậm nét cổ truyền như ở Lễ hội Cố đô Hoa Lư.
Ngoài phần lễ, du khách có thể đi tham quan quang cảnh của khu di tích Cố đô Hoa Lư với thế núi non trùng điệp như thành luỹ. Từ ngoài đường chính, du khách có thể nhìn thấy ngọn cờ hội trên đỉnh núi Mã Yên. Núi nằm ngay trước cửa đền thờ vua Đinh, có hình chiếc yên ngựa. Tương truyền, vua Đinh Tiên Hoàng định đô ở Trường Yên đã lấy núi này làm “án”. Lăng vua Đinh ở chính giữa yên ngựa, là nơi ngọn núi võng xuống rộng khoảng 50 m2, đầu lăng quay về phía đền thờ vua Đinh, có đắp nổi hình “Lưỡng long chầu nguyệt”. Tiếp đó là đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, được xây dựng trên nền cung điện xưa, đã được trùng tu nhiều lần. Trong đền có tượng vua Đinh bằng đồng và tượng 3 Hoàng tử: Đinh Liễn, Đinh Hạng Lang, Đinh Toàn. Đền vua Đinh có gần 30 câu đối, đại tự, bài minh, bài vị được thờ ở chính tẩm, khẳng định công đức vô cùng to lớn của đức Đinh Tiên Hoàng.
Đền thờ vua Lê cách đền thờ vua Đinh 500 m về hướng Bắc, cũng được xây cất trên nền cung điện xưa. Trong đền thờ vua Lê Đại Hành, Thái hậu Dương Vân Nga và vua Lê Long Đĩnh. Năm 2000, nhân kỷ niệm 990 năm vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long (Hà Nội), Nhà nước cho xây dựng công trình Nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ trong khu vực Cố đô Hoa Lư. Đây là nơi dân địa phương gọi là đền Bến. Các nhà nghiên cứu lịch sử phỏng đoán, nơi đây rất có thể là bến thuyền cách đây gần 1000 năm trước, vua Lý Thái Tổ đã cho đoàn thuyền cập bến để dời đô ra Thăng Long. Ngoài ra, khu di tích Cố đô Hoa Lư vẫn còn giữ được dấu tích của các cung điện xưa như: Chùa Nhất Trụ, các cột kinh, núi Phi Vân, Phủ Thông, cầu Đông, cầu Dền… Nay những di tích ấy chỉ là sự mô phỏng nhưng nó cũng giúp cho du khách khi tham quan hồi tưởng về một cung điện tráng lệ xưa kia.
Bên cạnh việc khôi phục lại các nghi lễ truyền thống của các lễ hội cổ truyền, Ban tổ chức còn đưa vào lễ hội những trò chơi dân gian: Hội trại văn hoá dân tộc, thi mâm ngũ quả tiến Vua, thi thư pháp, thi giọng hát chèo hay… Các hoạt động văn hoá -TDTT: bóng chuyền, vật dân tộc, bắn nỏ, bắn cung, cờ tướng… để du khách đến lễ hội có thể tham gia. Những hoạt động như đánh cờ, thi giọng hát chèo hay, thi thư pháp được du khách đánh giá rất cao trong những năm tổ chức lễ hội và nhiệt tình tham gia hưởng ứng.