Đặc sắc ẩm thực Hà Nội

Dân gian có câu nói Ăn Bắc mặc Kinh. Người Hà Nội nổi tiếng thanh lịch, thanh lịch trong từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Và ngay trong nét ẩm thực, người Hà Nội cũng thể hiện sự trang trọng và tinh tế. Món ăn của vùng đất kinh kì này có thể nói là không lẫn vào đâu được trong vô vàn những món ngon trên khắp mọi miền đất nước.

Nấu và thưởng thức các món ăn là cả một nghệ thuật của người Hà Nội, chẳng thế mà cho đến tận bây giờ thói quen ấy vẫn tồn tại và trở thành một nét văn hoá riêng độc đáo, hấp dẫn bất cứ ai khi mới đặt chân đến nơi này. Cái tinh tế trong ẩm thực Hà Nội thể hiện ở cả tấm lòng người trao kẻ nhận. Mỗi món ăn Hà Nội đều có hương vị, nét đẹp riêng và đặc biệt là có truyền thống, cách thưởng thức truyền đời, chẳng thế mà nó không chỉ là những thức ăn thông thường mà được nâng lên thành nghệ thuật ẩm thực.

Trong Hà Nội băm sáu phố phường, Thạch Lam đã viết về món ăn ngon của Hà Nội như bánh cuốn, bún riêu, bún ốc, bún chả, cốm vòng, bánh tôm và nhất là phở, bằng tất cả những cảm nhận đặc biệt về vị ngon của từng món ăn. Thạch Lam đã thốt lên hai câu thơ khi ngửi thấy mùi bún chả:

Ngàn năm bảo vật đất Thăng Long

Bún chả là đây có phải không?

Đối với Thạch Lam, phở là món ăn ngon, đặc biệt của Hà Nội. “Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon”. Theo ông, phở ngon phải là phở “cổ điển”, nấu bằng thịt bò, “nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đủ cả”, “rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một ít cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ”. Vào thời những năm 1940, phở đã rất phổ biến ở Hà Nội: “Đó là thứ quà ăn suốt ngày của tất cả các hạng người, nhất là công chức và thợ thuyền. Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa và ăn phở tối”. Ngày nay, phở được xem như là món ăn thuần tuý Việt Nam, đúng hơn của Hà Nội hay miền Bắc (qua tên gọi phở Bắc).

Trong Miếng ngon Hà Nội (viết trong khoảng từ 1952-1959), nhà văn Vũ Bằng đã không tiếc lời ca ngợi những món ăn như chả cá, tiết canh (lợn, vịt, chó…), thịt chó, bún thang, gỏi cá sống và rươi. Do sự đa dạng của cách nấu nướng cũng như của các loại gia vị được dùng (húng, lá mơ, giềng, sả, mẻ, mắm tôm…), các món thịt chó chừng mực nào đó được xem là biểu tượng của bếp núc miền Bắc, nhất là từ Đèo Ngang trở vào, thịt chó không mấy được ưa chuộng dù hơn 40 năm qua người miền Bắc vào lập nghiệp khá đông. Trước đây, món ăn chế biến bằng rươi (chả rươi, rươi hấp, rươi rang và nhất là mắm rươi) cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo ra nét nghệ thuật độc đáo của nghệ thuật ăn uống miền Bắc. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, rươi chỉ có nhiều ở các tỉnh duyên hải phía Bắc, từ Quảng Bình trở ra. Thế nhưng, hiện nay món rươi gần như biến mất ở Hà Nội.

Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ muốn nhắc đến một vài món ăn tiêu biểu của vùng đất kinh kì.

Phở Hà Nội

Chương trình Tour Du Lịch Hà Nội 2019 ❶❺% đến ❺❺% chỉ còn từ 350.000 đ. Mua tour sớm để được giá ưu đãi nhất, số lượng ưu đãi có hạn mỗi ngày. Du Lịch Hà Nội giá rẻ nhất, khám phá thủ đô tươi đẹp của Việt Nam. Du Lịch Hà Nội trong những năm gần đây luôn là điểm đến ưa thích của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là vào các dịp lễ hội, du xuân đầu năm. Hà Nội trở nên lung linh và rực rỡ trong ánh đèn đủ sắc màu của các nhà hàng, công viên, khu vui chơi,…Công ty du lịch Khát Vọng Việt chuyên cung cấp các tour Hà Nội giá rẻ nhất , chất lượng tốt nhất thị trường. Dưới đây là các Tour Du Lịch Hà Nội theo từng chủ đề mà Khát Vọng Việt đang cung cấp hàng ngày: ( nguồn https://dulichkhatvongviet.com/du-lich-trong-nuoc/du-lich-ha-noi/ )

Nhắc tới quà Hà Nội không thể không nói tới phở. Không biết phở xuất hiện từ bao giờ nhưng phở Hà Nội được nhắc nhiều là vào khoảng đầu thế kỷ 20 với những cái tên phở Thìn, phở Giảng, phở Đông Mỹ bán gánh. Ngày nay, có thể tìm thấy những tiệm khá ngon ở Bờ Hồ, Bát Đàn, Lý Quốc Sư, Lò Đúc. Riêng phở bò ông Thìn giữ được hơn 50 năm, và mở rộng tới 7 cửa hàng ở Hà Nội. Người Hà Nội nay ăn cả phở gà, nhưng theo nhiều người sành ăn chỉ có phở bò chín mới đúng là Hà Nội.

Nhà văn Băng Sơn từng nói: “Tôi rất đồng ý với cụ Nguyễn Tuân, tôi là thế hệ sau nhưng ăn phở Hà Nội phải là phở bò chín. Thịt bò chín thái mỏng thơm, ngon. Phở mà ăn với giá, với quẩy hay là với trứng như nhiều người vẫn ăn bây giờ không được. Phở thì gia vị rất quan trọng. Ngày xưa, những hàng phở gánh đỗ ở đầu phố thì cuối phố đã ngửi thấy mùi nước dùng phở thơm lừng…

Phở được dùng riêng như là một món quà sáng hoặc trưa và tối, không ăn cùng các món ăn khác. Nước dùng của phở được làm từ nước ninh của xương bò: xương cục, xương ống và xương vè. Xương phải được rửa sạch, cạo sạch hết thịt bám vào xương cho vào nồi đun với nước lạnh. Nước luộc xương lần đầu phải đổ đi để nước dùng khỏi bị nhiễm mùi hôi của xương bò, nước luộc lần sau mới dùng làm nước lèo. Gừng và củ hành đã nướng đồng thời cũng được cho vào. Lửa đun được bật lớn để nước sôi lên, khi nước đã sôi thì phải giảm bớt lửa và bắt đầu vớt bọt. Khi đã vớt hết bọt, cho thêm một ít nước lạnh và lại đợi nước tiếp tục sôi tiếp để vớt bọt… Cứ làm như vậy liên tục cho đến khi nước trong và không còn cặn trong bọt nữa. Sau đó, cho một ít gia vị vào và điều chỉnh độ lửa sao cho nồi nước chỉ sôi lăn tăn để giữ cho nước khỏi bị đục và chất ngọt từ xương có đủ thời gian để tan vào nước lèo. Thịt dùng cho món phở có thể là bò hoặc gà. Bánh phở phải mỏng và dai mềm, gia vị của phở là hành lá, hạt tiêu, giấm ớt, lát chanh thái. Phở luôn phải ăn nóng mới ngon, người Hà Nội còn ăn kèm với những miếng quẩy nhỏ. Tuy nhiên, để có được những bát phở ngon còn tùy thuộc vào kinh nghiệm và bí quyết truyền thống của nghề nấu phở.

Có thể nói, Phở Hà Nội có cái ngọt chân chất của xương bò, cái thơm của thịt vừa chín đến độ để vẫn dẻo mà lại không dai. Màu nước phở trong, bánh phở mỏng và mềm. Chỉ nhìn bát phở thôi cũng đủ thấy cái chất sành điệu, kỹ càng trong ăn uống của người Hà Nội. Một nhúm bánh phở đã trần qua nước nóng mềm mại dàn đều trong bát, bên trên là những lát thịt thái mỏng như lụa điểm mấy ngọn hành hoa xanh nõn, mấy cọng rau thơm xinh xắn, mấy nhát gừng màu vàng chanh thái mướt như tơ, lại thêm mấy lát ớt thái mỏng vừa đỏ sậm vừa màu hoa hiên.

Tất cả màu sắc đó như một bức hoạ lập thể hơi bạo màu nhưng đẹp mắt cứ dậy lên hương vị, quyện với hơi nước phở bỏng rẫy, bốc lên nghi ngút, đánh thức tất cả khả năng vị giác, khứu giác của người ăn, khiến ta có cảm giác đang được hưởng cái tinh tế của đất trời và con người hợp lại. Chỉ húp một tí nước thôi đã thấy tỉnh người. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cái cay dịu của gừng, cái cay nồng của ớt, cái thơm nhè nhẹ của rau thơm, cái thơm của thịt bò tươi mềm. Tất cả cứ ngọt lừ đi, ngọt một cách hiền lành, êm nhẹ mà chân thật, tuyệt kỹ hài hoà.

Phở Hà Nội là như thế, đó là cái ngon của tất cả những chất liệu đời thường Việt Nam nhưng đã được bàn tay tài hoa của người Hà Nội làm thành tác phẩm!

Phở Hà Nội

Phở Hà Nội

Hiện nay, ở Hà Nội đã có thêm một món phở biến tấu nữa là phở cuốn. Cách làm phở cuốn rất đơn giản. Vẫn dùng các nguyên liệu như phở chan nước như thịt bò, bánh phở, rau thơm… nhưng không phải thái sợi bánh nhỏ ra chan với nước dùng mà để miếng vuông cuốn lại như nem. Bánh phở để làm phở cuốn vừa phải trắng, mỏng nhưng lại phải dai để khi cuốn không bị rách. Phở được xắt thành miếng vuông vắn với kích thước khoảng 10x15cm. Người bán hàng bóc những miếng bánh phở rời ra khỏi nhau. Sau đó cho các loại rau như xà lách, mùi, rau thơm và thịt bò vào rồi cuốn lại. Thịt bò phải thái mỏng, ướp gia vị, mì chính rồi cho lên bếp đảo nhanh sao cho thịt bò săn lại, mềm mà không dai. Nước chấm phở cũng giống như pha nước chấm nem hoặc bánh gối với nước mắm, hạt tiêu, hành tỏi khô, hành lá, rau mùi, đu đủ xanh hoặc su hào, đường kính, giấm.

Ngoài phở cuốn với thịt bò và rau thơm, người ta cũng có thể ăn phở cuốn với ruốc tôm và trứng tráng chấm nước sốt. Tôm bóc vỏ, bỏ đầu và rút chỉ đen ở sống lưng, rửa sạch để ráo nước. Ướp tôm với chút nước mắm, hạt tiêu một lúc cho ngấm, hấp chín tôm, cho ra cối giã đều tay cho ruốc được bông. Trứng đánh thật bông, tráng thật mỏng, cắt miếng như bánh phở. Đặt miếng trứng tráng lên miếng bánh phở, cho ruốc tôm vào cuộn chặt tay. Cuốn xong, xếp ra đĩa rồi bày rau mùi lên trên. Đổ nước sốt lên trên đĩa và ăn kèm với dưa góp.

Nhưng dù chế biến thế nào, món phở Hà Nội cũng đã đi vào lòng người và trở thành một thương hiệu, một tên gọi để gợi nhớ một món ăn của thủ đô ở khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài. 

Bánh cuốn Thanh Trì
Bánh cuốn Thanh Trì

Bánh cuốn Thanh Trì

Hà Nội có nhiều món ăn được xem là đặc sản nhưng không phải bất kì đặc sản nào cũng có vị trí đối với kho tàng văn hoá ẩm thực Hà Nội. Thế mà bánh cuốn Thanh Trì lại hội đủ cả hai điều kiện ấy. Đây là một món ngon Hà Nội không chỉ thu hút mọi người mà còn đi vào trang văn của nhiều tác giả tên tuổi như Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng…

Theo thần tích dân gian, Thanh Trì là một làng vào loại cổ nhất của Thăng Long – Hà Nội. Từ thời Hùng Vương thứ 18, người dân đã tụ họp về đây khai khẩn đất và được An Quốc, con trai vua Hùng dạy cày cấy. Nghề làm bánh cuốn cũng được hình thành từ đây.

Quy trình làm bánh cuốn Thanh Trì rất công phu. Một trong những bí quyết để có được những mẻ bánh ngon là chọn gạo ngon, gạo có ngon thì mặt bánh mới láng mượt, óng ả. Nếu gạo quá dẻo thì bánh nát, còn gạo kém thì bánh sẽ không thơm ngon. Và không thể quên khâu quan trọng là xay bột. Bột được xay nhuyễn nên mặt bánh cuốn mới được láng bóng, óng ả như vậy. Nếu bột loãng quá bánh sẽ nát, mà đặc quá bánh sẽ dày mình, ăn thô thì đâu còn được gọi là bánh Thanh Trì.

Bánh cuốn Thanh Trì là thứ bánh mỏng và trong đến mức có thể nhìn rõ được mặt người phía sau. Sau mỗi lớp bánh tráng nóng hổi vừa ngả xuống, người phụ việc lại nhanh tay rắc một lớp lá hành đã phi thơm bóng mỡ. Mỗi lá bánh mỏng mịn, vàng ngà điểm xuyết màu xanh vàng của lá hành đã tạo nên nét hấp dẫn, độc đáo riêng. Thật là một thứ quà dân dã mà không kém phần tinh tế.

Bánh cuốn ngon không thể thiếu nước chấm, phải pha sao để mà dậy được cái mùi cà cuống lên thì thật là tuyệt vời. Có lẽ vị cà cuống đặc biệt cũng góp phần làm nên sự tinh tế của món ăn này. Dù là bánh cuốn nguội Thanh Trì hay bánh cuốn nóng thì cần phải có nước chấm vừa miệng. Pha nước chấm thế nào là bí quyết riêng của mỗi cửa hàng mà họ luôn giữ kín công thức nhưng luôn luôn có cái mùi nồng của cà cuống. Khách tới những cửa hàng bánh cuốn ngon đều mê mẩn thứ nước màu hổ phách thơm dịu này. Theo những người bán hàng thì nước chấm bánh cuốn không thiên về vị chua mà cần cân bằng giữa vị mặn của nước mắm và vị ngọt của đường. Chén nước mắm nhỏ xíu xinh xắn, không mặn quá, không chua quá, mà cũng không cay quá. Có lẽ vì bánh cuốn vốn mềm mại, thanh mát nên nước chấm đi cùng cũng dìu dịu như vậy để hài hoà.

Đây là một món ăn không cao sang, cầu kỳ, mà luôn bình dị, thân quen đối với mọi đối tượng thực khách, từ sang trọng cho đến tầng lớp bình dân.

 Bún thang

 Bún Thang

Sau phở, bún thang là một món ăn tinh tế thể hiện nét ẩm thực thanh tao, nhẹ nhàng, lịch lãm của người Tràng An.

Bún Thang là sự giao thoa tinh tế giữa hương vị và mỹ quan trong khiếu ẩm thực của người Hà Nội. Trước đây, bún Thang vốn là một món ăn quý, chỉ được làm vào những dịp lễ tết nhưng ngày nay nó đã được bình dân hoá để ngày càng có nhiều người được dịp thưởng thức món ăn tinh tế này. Song, dù cao sang hay dân dã thì nét sang trọng và cả cái hương vị độc đáo cuốn hút của món bún Thang vẫn chẳng thể đổi thay, vẫn làm hài lòng đến cả những thực khách khó tính nhất.

So với các món quà Bún khác thì cách chế biến món Bún Thang quả là có chút công phu hơn và vẫn còn phảng phất trong đó nét vương giả xưa kia. Mỗi một tô Bún Thang có đến khoảng gần 20 loại nguyên liệu. Một rúm bún sợi nhỏ đơm vào bát rồi rắc rau răm, mùi tàu xanh ngát lên trên nền bún trắng. Kế đến là gà nướng xé phay, giò lụa, trứng tráng thái sợi, nấm hương, tôm bông… cuối cùng thả một hai lòng trứng muối đỏ vào giữa lòng bát bún và chan nước dùng “nóng rẫy” cho thật vừa ăn. Bún Thang có thể ăn kèm với các gia vị như tỏi, tiêu, dấm, ớt hoặc thêm một chút mắm tôm nhưng nó sẽ mất hẳn đi mùi thơm đặc biệt nếu ta không thêm vào trong đó một chút tinh dầu cà cuống. Tất cả các nguyên liệu, các gia vị dường như đã hoà quyện vào nhau, tô điểm cho nhau tạo nên một bức tranh quê lụa muôn sắc, muôn màu đến độ làm nao lòng người đa cảm.

Bởi vậy mới nói, con người ta có thể quên ngay cảnh sắc mà mình đã đến nhưng không thể quên ngay cái hương vị của những món ăn mang đậm đà bản sắc của một địa phương. Để rồi đã có bao nhiêu du khách đến với Hà Nội, thưởng thức món bún Thang và mang theo dư âm của món ăn về nơi xa ấy suốt đời. 

Miến lươn
Miến Lươn

Miến Lươn

Miến lươn cũng là một món ăn được nhiều người Hà Nội nhắc đến. Ngày nay, việc chế biến và thưởng thức món miến lươn đã khác xưa rất nhiều. Miến lươn Hà Nội xưa được sắp vào bát nhỏ, thường là bát chiết yêu (loại bát chôn nhỏ, miệng loe) miệng bát chỉ lớn hơn bát ǎn cơm một chút. Miến rửa sạch đã trần nước sôi, được trần lại vào nồi nước dùng lươn màu nâu nâu cho miến nở, thấm độ đậm, ngọt của nước dùng rồi cho vào bát. Những miếng thịt lươn đã xào săn lại mà vẫn phô màu vàng óng của da lươn. Hành hoa và rau răm thái nhỏ tăn (thường thái trước khi cho vào bát để giữ mùi thơm, hành răm thái càng nhỏ càng tiết mùi thơm nhiều hơn). Rắc hành răm thái nhỏ lên thịt lươn rồi chan nước dùng. Nước dùng lươn màu nâu nâu ngọt trên mức bình thường, vì phải đậm đặc mới nổi vị, chỉ chan sâm sấp chứ không chan võng vì miến đã ngấm nở đủ bằng nước dùng nên không trương nở thêm. Hơn nữa, miến làm bằng đậu xanh nên sợi miến nhỏ mà dòn chứ không nát. Cuối cùng rắc hạt tiêu vào tô miến.

Ngậm ngùi nhớ về những bát miến lươn ngày xưa, một người dân Hà Nội đã bộc bạch rằng: “Miến thấm đượm nước dùng, thịt lươn xào săn ăn hơi dẻo rất rõ vị lươn, lại được tẩm ướp nên thơm mùi tiêu và mùi nước mắm ngon thật hấp dẫn. Bát miến lươn, ăn tới miếng cuối cùng vẫn còn nóng. Hà Nội xưa hình như lạnh hơn bây giờ. Món miến lươn hấp dẫn mọi mùa, nhưng vào những ngày đông lạnh còn hấp dẫn hơn nhiều. Bởi vì rét đến mấy, khi bê bát miến lươn thơm phức, nóng hổi lên là quên hết mọi rét mướt. Miến lươn không múc vào bát to, không có kèm theo giá đỗ và hành khô phi, không chan võng nước dùng chẳng thấy mùi lươn đâu như bây giờ, và đặc biệt là thịt lươn không tẩm bột rán khô cong và giòn để khi ăn chẳng biết là lươn hay trạch hay một loại bánh rán giòn gì đấy vì khó mà phân biệt, khó mà nhìn rõ, khó mà khẳng định mùi vị”.

Cốm làng Vòng

 Đến Hà Nội, không ai không nhớ đến một thứ quà ngon nổi tiếng, thứ quà của lúa non. Cái thứ quà vừa dân dã vừa thanh tao đó có tên gọi là “Cốm làng Vòng”. Làng Vòng cách trung tâm Hà Nội về phía Tây Bắc độ dăm cây số, gồm có các thôn: Vòng Tiền, Vòng Hậu, Vòng Sở, Vòng Trung nhưng chỉ có hai thôn Vòng Hậu và Vòng Sở là làm cốm ngon.

Cốm Làng Vòng thường có vào mùa thu nên nhắc đến mùa thu Hà Nội là người ta nhớ đến thứ quà tao nhã này. Cũng như những thứ quà khác, cốm ngày xưa được làm ra với ý nghĩa ban đầu là làm quà sêu tết, tặng nhau.

Nói về cách thức làm cốm, tất nhiên là rất nhiều vùng quê biết làm nhưng phải thừa nhận rằng không có đâu làm được hạt cốm dẻo và thơm ngon bằng ở làng Vòng. Người làng Vòng làm cốm rất công phu. Đầu tiên họ trồng lúa, đợi đến lúc lúa khum ngọn, hãy còn sữa thì gặt đem về làm cốm. Lúa để làm cốm thì không được vò hay đập mà phải tuốt. Sau đó cho vào nồi rang. Cốm rang xong phải mang giã ngay, không được để nguội. Trong quá trình giã phải có kỹ thuật, không được giã mạnh tay quá cốm sẽ nát. Khi giã phải luôn tay đảo cốm từ trên xuống, dưới lên cho đều. Giã khoảng 10 lần thì đem cốm đi sàng và hồ, rồi đựng vào lá sen.

Cốm làng Vòng

Cốm làng Vòng

Không hiểu sao người ta lại dùng lá sen để đựng cốm? Có lẽ thứ quà tinh khiết ấy phải được gói bằng lá của loài hoa “sạch sẽ”, “gần bùn mà chẳng hôi tanh” thì mới thấy hết được ý nghĩa của nó. Mặc dù đó chỉ là cách suy luận, song thực tế thì cốm được gói bằng lá sen thơm và ngon hơn khi ta gói bằng một thứ lá khác.

Cốm thường được ăn cùng với chuối tiêu trứng cuốc nhưng ngon nhất vẫn là ăn với trái hồng chín đỏ. Và Thạch Lam trong Hà Nội 36 phố phường đã ví: “Cái màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, không gì hòa hợp bằng”.

Cốm làng Vòng bây giờ đã rất nổi tiếng khắp mọi miền đất nước và là một thứ quà tao nhã không chỉ của những người trẻ mà cả của những bậc trung niên, cao niên khi nhớ về Hà Nội, đặc biệt là Hà Nội mùa thu.