Những lễ hội đặc trưng xứ Hàn

Hàn Quốc, truyền thống vui chơi sau vụ thu hoạch mùa thu và đón chào năm mới trong không khí vui vẻ, phấn chấn còn được kéo dài đến các thời vua và các triều đại sau này, mặc dù mỗi triều vua đều có những sửa đổi riêng cho ngày hội.

Do nhịp sống tất bật của cuộc sống hiện đại, Hàn Quốc ngày nay đã mất đi rất nhiều những ngày lễ truyền thống. Trước đây, lễ hội chỉ là sự cử hành lễ nghi tôn giáo lãng phí. Cho tới thời kỳ các vương quốc liên minh thì lễ hội tạ ơn Trời đã cho vụ mùa bội thu mới được chính thức tổ chức. Các lễ hội đó là Yeonggo (múa trống gọi hồn) của Buyeo, Dongmaeng (nghi lễ cúng tổ tiên) của Goguryeo, và Mucheon (thiên vũ) của Dongye. Các lễ hội thường được tổ chức vào tháng thứ mười trong năm, tính theo năm âm lịch, sau mỗi vụ mùa, chỉ trừ lễ Yeonggo được tổ chức vào tháng thứ 12.

Một trong những ngày lễ đó là lễ Seol, ngày đầu tiên trong năm theo lịch âm, thường rơi vào cuối tháng một hoặc đầu tháng hai theo lịch dương. Đây là dịp để mọi thành viên trong gia đình đoàn tụ. Mọi người đều mặc áo truyền thống hanbok hoặc chọn cho mình những bộ quần áo đẹp nhất, cả gia đình cử hành lễ thờ cúng tổ tiên. Sau nghi lễ này, những người ít tuổi sẽ cúi lạy những người lớn tuổi trong gia đình.

Những ngày lễ lớn khác trong năm là Daeboreum, ngày trăng tròn đầu tiên trong năm sau Seol. Vào ngày này, nông dân và ngư dân thường cầu nguyện cho một mùa trồng trọt và một vụ cá bội thu, các gia đình cầu mong một năm làm ăn phát đạt, tránh được mọi điều rủi ro, xui xẻo bằng cách chuẩn bị các món ăn đặc biệt từ các loại rau xanh có trong mùa.

Vào dịp lễ Dano (Tết Đoan Ngọ), ngày thứ năm trong tháng thứ năm theo lịch âm, nông dân nghỉ công việc đồng áng cả ngày để tham gia lễ hội, đánh dấu việc gieo trồng đã hoàn thành, trong khi phụ nữ gội đầu bằng loại nước thơm đặc biệt đun từ lá mống mắt với hy vọng sẽ tránh khỏi mọi điều không may mắn. Dano (Tết Đoan Ngọ) trước đây đã là ngày lễ lớn, nhưng càng ngày sự quan tâm của mọi người càng bị giảm bớt, nên nay chỉ còn được duy trì theo nghi thức truyền thống ở một số ít nơi.

Chuseok (Rằm trung thu), có lẽ là ngày lễ được người Hàn Quốc tham gia đông đủ nhất. Những dòng xe chật kín đường cao tốc và tất cả các cơ quan, cửa hàng đều đóng cửa trong ba ngày. Các thành viên trong gia đình đoàn tụ, bày tỏ lòng thành đối với tổ tiên và đi thăm mộ gia đình. Người thành phố thường trở về quê hương để tham dự lễ Chuseok. Những người trở về quê trong dịp lễ này thường phải đặt trước vé tàu hoả hay máy bay vài tháng.

Trong số những ngày lễ còn tồn tại đến ngày nay có lễ Phật Đản, rơi vào ngày tám tháng Tư theo lịch âm, và lễ Giáng Sinh không chỉ có người theo đạo Cơ đốc mà cả thanh niên cũng tham gia. Vào ngày Phật Đản, một nhóm đông các Phật tử diễu hành qua trung tâm Seoul, các đường phố chính ngày hôm đó cũng được trang hoàng với những chiếc đèn Phật giáo hình hoa sen.

Có một số ngày lễ dành cho gia đình cũng có ý nghĩa quan trọng đối với người Hàn Quốc và người ta thường cử hành bằng cách tổ chức tiệc tùng và các trò vui chơi. Đó là ngày Baegil, kỷ niệm 100 ngày kể từ ngày em bé ra đời; Dol, kỉ niệm sinh nhật đầu tiên của bé và Hoegap hay Hwangap, kỉ niệm sinh nhật lần thứ 60, được coi là lễ kỷ niệm tròn một vòng quay 60 năm trong đời một con người theo quan niệm Hoàng đạo Phương đông. Những ngày đặc biệt này thường được tổ chức náo nhiệt đặc biệt khi tỷ lệ tử vong sơ sinh cao và tuổi thọ con người còn thấp.

Những dịp như vậy được tổ chức như một ngày hội trong đó có sự tham dự của cả những người họ hàng xa, nhưng ngày nay chỉ có các thành viên trong gia đình tham gia các dịp này. Đối với lễ Hoegap, ngày càng có nhiều người có vị trí trong xã hội chuyển hình thức kỷ niệm sang đi du lịch nước ngoài thay cho làm lễ kỉ niệm tại nhà.